Lượt xem: 4287

Giá trị và ý nghĩa từ bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ 2 năm 2022 do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các đơn vị liên quan tổ chức từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2022. Cuộc thi nhận được trên 116.200 tác phẩm dự thi. Qua vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Cuộc thi, Hội đồng Giám khảo đã lựa chọn các tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Thể loại Tạp chí có 52 giải cá nhân, trong đó tỉnh Sóc Trăng vinh dự có một cá nhân đạt giải Khuyến khích, đó là đồng chí Lý Quý - Chuyên viên Hội Cựu chiến binh huyện Kế Sách với tác phẩm: Giá trị và ý nghĩa từ bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con dường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay. Để góp phần lan tỏa và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay, Trang Thông tin điện tử tổng hợp Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng trân trọng giới tác phẩm đạt giải tại Cuộc thi này.

 


Đồng chí Lâm Sách – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao Quyết định và Giấy khen đồng chí Lý Quý chuyên viên Hội Cựu chiến binh huyện Kế Sách.

 

    1. Dẫn nhập

    Chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH là vấn đề lớn, phức tạp, khó có thể luận bàn và lý giải một cách tường minh thông qua một bài viết hay một ý kiến đơn thuần. Do vậy, trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có đề cập về phạm vi, giới hạn trao đổi của bài viết chỉ tập trung xoay quanh một số vấn đề chính yếu, qua đó nhằm trả lời bốn câu hỏi được đặt ra, đó là: “Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?”[1]

    Theo đó, trên cơ sở phân tích, nhận định và lập luận một cách chặt chẽ, bài viết cho người đọc thấy được những góc nhìn sắc sảo, sâu, rộng về một chủ đề chưa bao giờ được xem là cũ. Nhưng không chỉ dừng lại ở góc độ lý luận, khoa học, nội dung bài viết còn phác họa lên bức tranh đặc sắc về thực tiễn xây dựng CNXH bằng những minh chứng khách quan, gắn với những giai đoạn lịch sử cụ thể ở Việt Nam và trên thế giới. Thêm vào đó, bài viết còn có sự định hướng mục tiêu và cách thức hành động của tiến trình đi lên CNXH ở Việt Nam, thể hiện tư duy và tầm nhìn lãnh đạo rất nhạy bén, gắn liền với lý tưởng cao đẹp của những người Cộng sản. Do vậy, bài viết mang tính thuyết phục cao vừa có tính chiến đấu mạnh mẽ, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng và chống lại những quan điểm sai trái, thù địch.

    2. Ý nghĩa và giá trị của bài viết đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay

    2.1. Ý nghĩa của bài viết trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

    Thực tiễn cho chúng ta thấy rằng, Đảng muốn tồn tại và phát triển thì trước tiên, Đảng phải bảo vệ được một cách chắc chắn nhất nền tảng tư tưởng của mình. Do vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng luôn là nhân tố quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng. Suy cho cùng, bảo vệ nền tảng tư tưởng cũng chính là bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở bảo vệ nền tảng tư tưởng ấy, mới có thể tiếp tục bảo vệ Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng. Và từ đó, các chính sách của Nhà nước mới có đủ điều kiện thực thi trên thực tế.

    Nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì thế, nói đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tức là nói đến việc bảo vệ Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Mặt khác, Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Cho nên, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn có ý nghĩa giúp bảo vệ đối với cả Nhà nước, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ sự ổn định chính trị trong tiến trình xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế. Mục tiêu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đó là cốt yếu làm sao phải giúp cho toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân luôn nhất quán, tin tưởng tuyệt đối vào Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phải làm sụp đổ mọi quan điểm sái trái, thù địch, âm mưu chống phá.

    Bài viết của Tổng Bí thư khẳng định: “phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động”[2]. Qua đó, bài viết cũng đã cảnh tỉnh, nhắc nhở những ai đang có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”[3].

    Bài viết cũng đã minh chứng rằng, CNXH khoa học là học thuyết hoàn toàn mang tính cách mạng, tiến bộ và nhân văn, chỉ rõ quy luật vận động, phát triển của xã hội loài người, đã được kiểm nghiệm trên thực tế, không phải là một học thuyết viễn vông. Tuy nhiên, do đời sống kinh tế - xã hội luôn có những biến thiên, thay đổi nên mới đòi hỏi tri thức của xã hội, nhân loại cũng phải uyển chuyển theo cho phù hợp với thời đại. Vì thế, trong bài viết, Tổng Bí thư đã cho rằng: “Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học. Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”[4].

    Có thể nói, bài viết giúp củng cố niềm tin mạnh mẽ vào giá trị trường tồn của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước. Niềm tin ấy là giá trị sâu thẳm, ẩn chứa bên trong mỗi cá nhân, nó đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với con đường đi lên CNXH. Bởi dù cho có nguồn lực, có sức mạnh, có thời cơ, nhưng một khi thiếu niềm tin thì kết quả mang lại không thể nào như mong đợi. Khi có được niềm tin, thì mới có được sự đồng thuận của xã hội, của nhân dân đối với Đảng

    2.2. Giá trị của bài viết đối với việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

    Ngày nay, có nhiều cá nhân vì nhận thức chưa đầy đủ, bị tác động, lôi kéo và một trong số đó còn do ngại, lười học tập lý luận chính trị… dẫn đến kết quả nhận thức mơ hồ, từ đó sinh ra những suy nghĩ lệch lạc, sai trái về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong khi các thế lực chống phá đang ra sức ngụy tạo và tuyên truyền ngày càng một nhiều hơn những quan điểm thù địch. Mặc dù, họ đều biết rõ những quan điểm của họ đưa ra là xuyên tạc, không có căn cứ, nghĩa lý hoàn toàn không xác đáng, miễn cưỡng, thậm chí là cố cãi gượng. Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cung cấp cho chúng ta những luận cứ, có nhiều giá trị trong việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói trên[5].

    Thứ nhất, giá trị của bài viết trong việc phản bác quan điểm cho rằng “Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa là sai đường, lạc lối”.

    Có một sự thật hiển nhiên, đó là: nếu như chúng ta chưa xác định được hướng di chuyển của một vật ứng với một góc nhìn và chiều tiếp cận, thì khó biết được đâu là bên phải đâu là bên trái, đâu là phía trước, phía sau, cũng như thực tế vật ấy đang tiến tới hay thụt lùi. Suy rộng ra, đối với một quốc gia bất kỳ, cũng cần phải xác định thật rõ đâu là định hướng phát triển của mình. Đồng thời, về mặt nguyên tắc, mỗi quốc gia đều có quyền lựa chọn cho mình một “lối đi riêng”, đó chính là quyền dân tộc tự quyết. Không ai có thể áp đặt ý chí chủ quan của quốc gia này lên quốc gia khác. Trong khi, điều kiện, bối cảnh xã hội… của mỗi quốc gia là khác nhau. Việc lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa của Việt Nam chính là minh chứng thể hiện quyền dân tộc tự quyết ấy.

    Xã hội chủ nghĩa là định hướng thực tiễn mang tầm chiến lược, chủ đạo của tiến trình phát triển đất nước, bởi định hướng đó sẽ giúp xây dựng được nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững, làm cơ sở kiến tạo các quan hệ xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp hơn, đặc sắc hơn. Và suy cho cùng, một trong những mục tiêu cao cả nhất vẫn là vì con người, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, hiện thực hóa và tối ưu hóa các nhu cầu phát triển của cá nhân, của xã hội. Nói cách khác, lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa, chính là sự phản ảnh chuẩn xác nhu cầu, lợi ích chính đáng của toàn dân và toàn quân ta, thể hiện sự thấu hiểu quần chúng của một Đảng cầm quyền đã khởi tạo trong quá khứ và luôn kiến tạo con đường phát triển trong tương lai, vượt qua sự lạc hậu, lỗi thời của chế độ phong kiến và sự bất công của chế độ tư bản. Đó là một sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn và có tính đồng thuận, không hề có sự áp đặt hay chia rẽ nào. Do đó, bất luận hiện tại hay tương lai, việc lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa vẫn là một quyết định sáng suốt của Đảng và Nhân dân ta. Chỉ có con đường ấy, mới có thể đáp ứng một cách đầy đủ nhất những mong ước tốt đẹp, những giá trị đích thực cần hướng đến, một xã hội cần phải có.

    Bài viết nêu: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội… Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”.

    Thứ hai, giá trị của bài viết đối với việc phản bác các quan điểm cho rằng “xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là rất mơ hồ, mông lung và tù mù”.

    Ngày nay, chúng ta không thể phủ nhận sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản. Những thành tựu mà chủ nghĩa tư bản mang lại cho nhân loại không hề nhỏ. Nhưng bản chất của chủ nghĩa tư bản vẫn không thể nào thay đổi, vẫn chứa đựng bên trong đó sự bất công, bất bình đẳng, nhất là về mặt kinh tế, các quyền tự do, dân chủ… Do đó, sự ưu việt của CNXH so với chủ nghĩa tư bản là ở ngay từ bản chất, đó cũng chính là những nấc thang, mảnh ghép tương phản của sự phát triển xã hội.

    Đồng thời, bài viết đã cho chúng ta thấy rõ hơn về xã hội xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng là một xã hội như thế nào, đó hoàn toàn là một xã hội mang tính thực tế, không phải là một xã hội ảo vọng, hay một xã hội được lý tưởng hóa. Theo đó, “xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện;… có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”[6]. Và thực tiễn cũng cho thấy, Việt Nam đã và đang hiện thực hóa được những mục tiêu, giá trị cốt lõi này.

    Từ luận cứ đó trong bài viết, giúp chúng ta có thể khẳng định, xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã được định hình ngày càng rõ nét, có cơ sở xác đáng, chứ không phải là một xã hội mông lung hay tù mù

    2.2. Giá trị của bài viết đối với việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

    Thứ ba, giá trị của bài viết trong việc phản bác quan điểm cho rằng “Việt Nam đang chuyển hướng theo tư bản chủ nghĩa, trá hình CNXH”.

    Thời gian qua, có một số ý kiến cho rằng: “nói bỏ qua chế độ tư bản ở Việt Nam chỉ là giả hiệu”. Hay như: “Việt Nam đã xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đồng thời, thúc đẩy nền kinh tế thị trường không ngừng lớn mạnh…, thì đó là những dấu hiệu cho thấy Việt Nam đã chuyển hướng sang con đường tư bản chủ nghĩa, còn CNXH chỉ là trá hình mà thôi!?”

    Chúng ta biết chắc chắc rằng, đây là những quan điểm hoàn toàn không thể chấp nhận được. Rõ ràng, Việt Nam đã xác định và nhất quán việc bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa và vẫn luôn kiên định con đường xã hội chủ nghĩa.  Bài viết đã luận giải về vấn đề này rất xác đáng: “Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Đương nhiên, việc kế thừa những thành tựu này phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển”. Nói cách khác, trong thời kỳ quá độ, không thể xóa bỏ được hoàn toàn và ngay lập tức những nhân tố tư bản chủ nghĩa, thay vào đó, cần phải nâng tính áp đảo của các nhân tố xã hội chủ nghĩa[7].

    Tương tự là về vấn đề xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bài viết luận giải: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới,… Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường;… Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ”[8].

    Đây là luận cứ quan trọng để bác bỏ quan điểm cho rằng “đã phát triển kinh tế thị trường thì không thể đi lên CNXH”. Vì thật ra, nền kinh tế mà Việt Nam hiện đang xây dựng chỉ mới là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và đương nhiên nó không thể giống nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Chính vì thế, Việt Nam không hề có bất kỳ ý định chuyển hướng nào sang chủ nghĩa tư bản. Việc phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế hay phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là vấn đề cần phải thực hiện trong thời kỳ quá độ lên CNXH.

    Thứ tư, giá trị của bài viết trong việc phản bác các quan điểm sai lầm về thành quả phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

    Mấy mươi năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đóng vai trò là “kiến trúc sư” để “thiết kế”, lãnh đạo “khởi công”, “xây dựng” con đường phát triển quốc gia, dân tộc mang tầm chiến lược và dài hạn xuyên thế kỷ, với nhiều kết qủa và thành tựu quan trọng.

    Thông qua nhiều số liệu, dẫn chứng phong phú, sinh động trên nhiều lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, giáo dục…; bài viết đã phác họa nên những gam màu đa sắc, nổi bật lên những thành tựu cơ bản của quốc gia, dân tộc, ẩn chứa sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Bài viết, đã đưa ra nhận định tổng quát: “Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế. Những kết quả, thành tích đặc biệt đạt được của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu từ đầu năm 2020 được nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta[9]. 

    Bài viết chỉ ra rõ sự tương phản rõ nét giữa chủ nghĩa tư bản và CNXH để thấy được kết quả quý báu từ công cuộc xây dựng, đi lên CNXH vẫn mang tính chắc chắn và toàn diện hơn. Bài viết còn đưa ra nhận định đối với phương thức sản xuất và tiêu dùng tư bản chủ nghĩa như sau: “Các cuộc khủng hoảng đang diễn ra một lần nữa chứng minh tính không bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái của nó”. Điều đó một lần nữa giúp chúng ta có đầy đủ cơ sở hơn cả về lý luận và thực tiễn, để phản bác các quan điểm sai trái, ca tụng, “cuồng” chủ nghĩa tư bản mà hạ thấp thành tựu xây dựng, đi lên CNXH ở Việt Nam.

    3. Kết luận

    Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều giá trị và ý nghĩa đối với tiến trình xây dựng CNXH ở Việt Nam. Thiết nghĩ, bài viết có thể được xem như một “cẩm nang” mà mỗi cán bộ, đảng viên cần phải quán triệt trên tinh thần nghiêm túc và sâu sắc nhất, đặc biệt là trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, giúp cho công tác ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn./.

Lý Quý - Hội Cựu Chiến binh huyện Kế Sách



[1] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Báo Nhân dân, ngày 16-5-2021.

[2] Nguyễn Phú Trọng: tlđd.

[3] Đặc biệt, bài viết đã thẳng thắn chỉ ra rằng: “trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa xã hội, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác - Lênin…”

[4] Nguyễn Phú Trọng: tlđd.

[5] Bài viết có giá trị trong việc đấu tranh, phản bác nhiều quan điểm sai trái, thù địch hiện nay. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến giá trị của bài viết trong việc đấu tranh, phản bác một vài quan điểm mang tính đơn cử.

[6] Nguyễn Phú Trọng: tlđd.

[7] Bài viết nêu: “Trong thời kỳ quá độ, các nhân tố xã hội chủ nghĩa được hình thành, xác lập và phát triển đan xen, cạnh tranh với các nhân tố phi xã hội chủ nghĩa, gồm cả các nhân tố tư bản chủ nghĩa trên một số lĩnh vực….Đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy các nhân tố xã hội chủ nghĩa để các nhân tố đó ngày càng chi phối, áp đảo và chiến thắng”.

[8] Nguyễn Phú Trọng: tlđd.

[9] Nguyễn Phú Trọng: tlđd.



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 51
  • Hôm nay: 6765
  • Trong tuần: 77,472
  • Tất cả: 11,800,792